giaoduc.net.vn & vietsciexdir.net: Giải thích của TS Lê Văn Út về bằng “Licentiate” + Một sự thật khác về “bằng tiến sĩ”

Dưới đây xin lưu lại hai mạng có trích dẫn ý kiến của tôi về Licentiate:

Tôi chỉ chịu trách nhiệm đối với những gì chính tôi viết ra và đã được đăng trong blog của tôi, cũng như những trích dẫn chính xác trong ngoặc kép.


Ví dụ như “Nói một cách nôm na, licentiatexamen là một bậc đào tạo giống y hệt như phó tiến sĩ của khối Đông Âu trước đây (học 4 năm sau bằng cử nhân, gồm 2 năm thạc sĩ và 2 năm sau thạc sĩ)” là không phải do tôi viết và câu này không có trong loạt bài của tôi về Licentiate.

Xin cảm ơn hai trang mạng đã quan tâm đến loạt bài của tôi về Licentiate.

*************************

Một sự thật khác về “bằng tiến sĩ” của Thứ trưởng Bộ Y tế

Thứ tư 21/09/2011 11:08
(GDVN) – Một tiến sĩ am hiểu giáo dục Thụy Điển đã mổ xẻ sự thật về tấm bằng mà ông Cao Minh Quang coi là “bằng tiến sĩ”.

Thông tin cho rằng Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang mạo nhận học vị tiến sĩ gây tranh cãi và thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận trong những ngày qua.

Thứ trưởng Cao Minh Quang

Theo các thông tin được tiết lộ trước đó, ông Cao Minh Quang không hề có bằng tiến sĩ mà chỉ có cái gọi là “licentiatexamen” mà ông giành được từ năm 1994 từ Đại học Uppsala, Thụy Điển.

Để bạn đọc hiểu thêm “Licentiatexem”, báo điện tử Giáo dục Việt Nam xin trích dẫn từ bài viết của tiến sĩ Lê Văn Út (hiện đang làm việc tại Khoa Toán, Đại học Oulu, Phần Lan).

Bài viết được đăng trên blog của tiến TS Lê Văn Út vào ngày 6/9, 3 ngày sau khi vụ lùm xùm về bằng cấp của Thứ trưởng Bộ Y tế bắt đầu và được blog Giáo dục Việt Nam http://ncgdvn.blogspot.com trích dẫn đăng tải lại.

Theo giải thích của Tiến sĩ Lê Văn Út, trong hệ thống giáo dục của Thụy Điển và Phần Lan, chương trình sau đại học có hai mức được gọi là Licentiate of Philosophy (viết tắt là Ph.L.) hay Licentiatexamen (tiếng Thụy Điển) và Doctor of Philosophy (viết tắt là Ph.D., tiến sỹ).

Theo thông tin trên trang studyinsweden, một trang web giới chính thức giới thiệu về giáo dục Thụy Điển, tiến sĩ là học vị cao nhất được trao tại Thụy Điển. Chương trình nghiên cứu học vị tiến sỹ tại Thụy Điển có tất cả 240 tín chỉ, yêu cầu phải học toàn thời gian tối thiểu là 4 năm, trong đó luận án tiến sĩ chiếm 120 tín chỉ.

Theo tiến sỹ Lê Văn Út: “Ph.L. hay Licentiatexamen là một bằng cấp giữa bằng master (thạc sỹ) và bằng Ph.D.. Licentiatexamen phải được xem như một văn bằng (degree) chứ không phải là chứng chỉ (certificate) vì nó nằm trong hệ thống văn bằng chính thức của Thụy Điển”.

Bảng hệ thống cấp bằng vị của trường Uppsala, Thụy Điển

“Hơn nữa, licentiatexamen cũng không phải là yêu cầu cần có để học tiến sĩ, mà là một bậc trong quá trình đào tạo của nghiên cứu sinh (trên licentiatexamen còn một bậc cao hơn là doctorsexamen). Điều kiện để theo học chương trình này là phải có bằng thạc sỹ, phải có người hướng dẫn khoa học. Sau khi hoàn thành 120  tín chỉ bao gồm các môn học và một luận văn thì người học được cấp bằng Ph.L. hay Licentiatexamen”.

“Có được bằng Ph.L., người học có thể tiếp tục làm luận án tiến sỹ. Vào khoảng năm 1970, bằng Ph.L. có thể được xem tương đương với bằng tiến sỹ, nhưng hiện nay thì không” – tiến sỹ Lê Văn Út cho biết.

“Tóm lại, hiện tại, ở Thụy Điển và Phần Lan, Ph.L. hay Licentiatexamen là một loại bằng cấp khoa học, không phải là chứng chỉ. Và bằng cấp này không phải là bằng thạc sĩ, cũng không phải là bằng tiến sỹ, và cũng không được xem là tương đương với bằng tiến sỹ. Nó đơn giản là một bằng cấp sau đại học trên thạc sỹ và dưới tiến sỹ”. Bằng này được được nhận sau khi cử nhân đã trải qua 2 năm nghiên cứu, hoàn thành 120 tín chỉ và một luận văn.

Nói một cách nôm na, licentiatexamen là một bậc đào tạo giống y hệt như phó tiến sĩ của khối Đông Âu trước đây (học 4 năm sau bằng cử nhân, gồm 2 năm thạc sĩ và 2 năm sau thạc sĩ).

Theo doktorandhandboken, một trang web về giáo dục của Thụy Điển, mỗi năm, có khoảng 2.900 người Thụy Điển được cấp văn bằng loại này và 800 người được cấp bằng tiến sỹ.

Nguyễn Hường

http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Mot-su-that-khac-ve-bang-tien-si-cua-Thu-truong-Bo-Y-te/58172.gd

=========================================================================

Giải thích của TS Lê Văn Út về bằng “Licentiate”

By admin on September 21, 2011

Tiếp theo bài “Một sự thật khác về “bằng TS” của Thứ trưởng Bộ Y tế”, chúng tôi xin trích giới thiệu loạt bài viết của TS Lê Văn Út về bằng “Licentiate” (tiếng Thụy Điển: Licentiatexamen):

TS. Lê Văn Út (Licentiate 2010, Tiến sỹ 2011) Đại học Oulu, Phần Lan https://utvle.wordpress.com/

Licentiatexamen: Chứng chỉ hay bằng cấp? Tương đương thạc sĩ hay tiến sĩ?


Ở Việt Nam, nếu tốt nghiệp một chương trình dài hạn (phổ thông, trung cấp, đại học, sau đại học) thì người học nhận được bằng cấp tương ứng. Để vào học những chương trình này người học phải đăng kí dự tuyển theo quy định. Riêng những khóa học ngắn hạn (ngoại ngữ, tin học,…) thì người học không phải đăng kí dự tuyển giống như các chương trình dài hạn, có chăng chỉ là thi xếp lớp. Người tốt nghiệp hay hoàn thành những khóa học ngắn hạn này được cấp các chứng chỉ.

Trong hệ thống giáo dục của Thụy Điển và Phần Lan, chương trình sau đại học có hai mức: Licentiate of Philosophy (Ph.L.) hay Licentiatexamen (tiếng Thụy Điển) và Doctor of Philosophy (Ph.D., tiến sỹ). Ph.L. hay Licentiatexamen là một bằng cấp giữa bằng master (thạc sỹ) và bằng Ph.D.. Điều kiện để theo học chương trình này là phải có bằng thạc sỹ, phải có người hướng dẫn khoa học. Sau khi hoàn thành 120 tín chỉ bao gồm các môn học và một luận văn thì người học được cấp bằng Ph.L. hay Licentiatexamen.

Có được bằng Ph.L., người học có thể tiếp tục làm luận án tiến sỹ. Vào khoảng năm 1970, bằng Ph.L. có thể được xem tương đương với bằng tiến sỹ, nhưng hiện nay thì không. Người có bằng thạc sỹ thì có thể xin làm nghiên cứu sinh tiến sỹ. Trong quá trình đó, nghiên cứu sinh có thể viểt luận án Ph.L., nhưng đó là điều không bắt buộc.

Tóm lại, hiện tại, ở Thụy Điển và Phần Lan, Ph.L. hay Licentiatexamen là một loại  bằng cấp khoa học, không phải là chứng chỉ. Và bằng cấp này không phải là bằng thạc sĩ, cũng không phải là bằng tiến sỹ, và cũng không được xem là tương đương với bằng tiến sỹ. Nó đơn giản là một bằng cấp sau đại học trên thạc sỹ và dưới tiến sỹ.

Bằng Licentiate chổ tôi như thế nào?

Tôi xin kể ngắn gọn về quá trình học lấy bằng Licentiate chổ tôi – Khoa khoa học, ĐH Oulu.  Yêu cầu chung là 120 tín chỉ, gồm 60 tín chỉ học và còn lại là một luận văn.

Trong số 60 tín chỉ, người học phải hoàn thành tối thiểu 40 tín chỉ nâng cao của chuyên ngành. Đối với 20 tín chỉ còn lại thì người học có thể tự chọn: các môn chuyên ngành nhưng không nhất thiết nâng cao hay bất kỳ môn học nào từ bất kỳ khoa nào miễn sao có liên quan đến nghề nghiệp.

Luận văn không đòi hỏi cao về khoa học. Yêu cầu chung là luận văn là có kết quả nghiên cứu “nho nhỏ” hay tối thiểu là giới thiệu tổng quan về một hướng nghiên cứu nào đó. Như vậy luận văn Licentiate không đòi hỏi phải có kết quả nghiên cứu mới.

Quy trình phản biện và công nhận luận văn Licentiate: Khoa gửi luận văn cho 2 phản biện ngoài trường, phản biện do người hướng dẫn đề cử và phải được Khoa chấp nhận. Nếu phản biện đồng ý luận văn thì Hội đồng khoa học của Khoa sẽ họp thể thông qua luận văn và công nhận người học đạt học vị Licentiate hay Licentiate of Philosophy.

Hai điểm cần lưu ý:

  • Bộ Môn không có thẩm quyền xét thông qua luận văn Licentiate.
  • Người học không cần phải bảo vệ luận văn Licentiate.

Giá trị của bằng Licentiate

Một số nước vẫn còn bằng cấp Licentiate trong hệ thống văn bằng của họ, tiểu biểu là hai nước Bắc Âu: Thụy Điển, Phần Lan.

Thật khó bàn về giá trị của bằng Licentiate. Nếu ai đó ghi có bằng Licentiate vào C.V. khi xin việc thì người tuyển dụng (ngoài Phần Lan, Thụy Điển,…) sẽ khó hiểu bằng Licentiate là gì. Các loại bằng cấp phổ biến hiện nay gồm cử nhân (bachelor), thạc sỹ (master), tiến sỹ (Doctor of Philosophy hay Ph.D.).

Nhưng trong thực tế thì bằng Licentiate ở Phần Lan và Thụy Điển lại có giá trị nhất định của nó. Cụ thể như sau:

  • Người có bằng Licentiate thì thuận lợi hơn người có bằng master khi xin tham gia các nhóm nghiên cứu.
  • Xin một chân trợ lý giảng dạy ở một đại học thì người có bằng Licentiate sẽ thuận lợi hơn người có bằng master. Licentiate còn được xem là “giấy phép” được đứng lớp bậc đại học.
  • Xin kinh phí, học bổng trong quá trình làm nghiên cứu sinh tiến sỹ dể hơn nghiên cứu sinh chỉ có bằng master.
  • Trong quá trình làm tiến sỹ, nếu luận án bị “đập chết” thì vẫn có được bằng Licentiate lận lưng (theo truyền miệng của các nghiên cứu sinh nơi tôi). Thực tế, chổ tôi đã có trường hợp nghiên cứu sinh bị “đập chết” khi bảo vệ luận án, dù điều này rất hiếm.

Điu thú v: Có ít nhất 2 giáo sư ở Phần Lan chỉ có bằng Licentiate; họ vẫn còn đương chức; tôi biết rõ một người trong số họ (lấy bằng Licentiate vào năm 1987) và người này hiện có khoảng 100 công trình trên tạp chí peer-reviewed và có rất nhiều nghiên cứu sinh tiến sỹ.

Licentiate tương đương với Phó Tiến sỹ? Có phải ngủ dậy thành Tiến Sĩ?

Bài này chỉ bàn về thông tin trong 20 năm gần đây. Cần khẳng định ngay là Licentiate không tương đương với bằng Phó tiến sỹ. Và không phải “Phó Tiến Sĩ ngủ đêm sáng dậy thành Tiến Sĩ”.

Trong bài Licentiatexamen: Chứng chỉ hay bằng cấp? Tương đương thạc sĩ hay tiến sĩ?, tôi đã mô tả về việc lấy bằng Licentiate như thế nào. Xin lưu ý thêm, mặc dù nghiên cứu sinh (NCS) không phải bảo vệ luận văn Licentiate, nhưng NCS phải trải qua kỳ thi Licentiate (the licentiate examination). Yêu cầu cho kỳ thi Licentiate thì mỗi nơi mỗi khác. Có nơi thì yêu cầu NCS trình bày một seminar về một vấn đề do người hướng dẫn yêu cầu và kết quả được tính là 10 tín chỉ nâng cao. Nơi khác lại yêu cầu NCS trình bày luận văn trong một seminar và không có người phản biện trực tiếp, tức không phải là một buổi bảo vệ luận văn.

Đối với bằng phó tiến sỹ (trước đây) thì NCS phải thi tối thiểu và bảo vệ luận án phó tiến sỹ trước hội đồng. Thi tối thiểu ở Việt Nam là bảo vệ các chuyên đề NCS, có hội đồng chấm điểm. Luận án phó tiến sỹ đòi hỏi có đóng góp mới cho chuyên ngành và phải trải qua giai đoạn bảo vệ cấp cơ sở, sau đó Bộ Giáo Dục và Đào Tạo hoặc Đại Học Quốc Gia gửi cho 2 phản biện kín, và cuối cùng là bảo vệ luận án cấp nhà nước.

Trước đây Liên Xô và các nước Đông Âu có học vị Candiate of Science và Doctor of Science đối với bậc NCS. Tương ứng ở Việt Nam có học vị Phó Tiến Sĩ và Tiến Sĩ cho bậc NCS. Trong khi đó, bậc NCS ở các nước Mỹ và nhiều nước Âu Châu thì chỉ có một loại bằng cấp là Doctor of Philosophy (Ph.D.). Ngoài ra, vài nước Âu Châu, Á Châu có hai học vị cho bậc NCS: Ph.D. và Habilitation.

Sau khi so sánh yêu cầu cho các văn bằng Candidate of Science và Ph.D., người ta nhận thấy yêu cầu cho các văn bằng này là tương đương nên 2 bằng cấp này được xem là tương đương, và có thể gọi chung là Ph.D. (tiếng Anh). Những nước có học vị Doctor of Science hay Habilitation thì cho rằng những học vị này cao hơn học vị Ph.D., nhưng ở Mỹ và nhiều nước thì Ph.D. là học vị cao nhất.

Ở Việt Nam, trước đây học vị Phó Tiến Sĩ được xem là tương đương với Candidate of Science. Do đó, Phó Tiến Sĩ phải tương đương với Ph.D.; tuy nhiên, nếu dịch ngược lại tiếng Anh thì có dính chữ “phó” sẽ rất phức tạp (phó có thể là associate) và sẽ không giống ai (Associate Doctor of Philosophy) nên người ta quyết định bỏ chữ “phó” đi. Như vậy, Phó Tiến Sĩ được gọi là Tiến Sĩ. Đây là cách dùng từ ngữ một cách thuận tiện về văn phong lẫn khoa học, chứ không phải “Phó Tiến Sĩ ngủ đêm sáng dậy thành Tiến Sĩ”.

Và như vậy thì cái học vị cao hơn Phó Tiến Sĩ (Tiến Sĩ) được đẩy lên thành Tiến Sĩ khoa học. Điều này cũng thích hợp với tên gọi từ Liên Xô và Đông Âu (Doctor of Science).

Việc có hai học vị cho bậc NCS, Tiến Sĩ và Tiến Sĩ khoa học đôi khi cũng không hay. Người ta có thể “hiểu” Tiến Sĩ khoa học mạnh hơn Tiến Sĩ vì Tiến Sĩ không có “khoa học” và Tiến Sĩ Khoa học thì có “khoa học”. Tuy nhiên, nếu chịu làm nghiên cứu dài hạn thì chưa chắc ai hơn ai.

Hiện nay, Việt Nam chỉ cấp một bằng cấp duy nhất cho bậc nghiên cứu sinh, đó là bằng Tiến Sĩ. Đây là học vị cao nhất và được thống nhất dịch sang tiếng Anh là Ph.D.

Giá trị khoa học của một người tuỳ thuộc vào công trình khoa học trên các tạp chí quốc tế, không nhất thiết phải phụ thuộc quá nhiều vào bằng cấp. Tuy nhiên, bằng Tiến Sĩ được xem là giấy chứng nhận “anh có thể bắt đầu làm khoa học”. Làm gì việc cũng vậy, có được giấy chứng nhận “tôi có thể làm được” thì thuận lợi hơn rất nhiều.

Tóm lại, bằng Licentiate không tương được với bằng Phó Tiến Sĩ (nay là Tiến Sĩ). Và việc thống nhất gọi Phó Tiến Sĩ là Tiến Sĩ là chuyện bình thường về cách dùng từ ngữ sao cho việc phiên dịch sang tiếng Anh được thuận lợi, chứ không phải “Phó Tiến Sĩ ngủ đêm sáng dậy thành Tiến Sĩ”. Và điều quan trọng hơn cả đối với bằng Tiễn Sĩ là giá trị khoa học của chủ nhân theo chuẩn mực quốc tế, chứ không phải chỉ “hơn nhau” ở cách xưng danh hay học vị.

TS. Lê Văn Út (Licentiate 2010, Tiến sỹ 2011), Đại học Oulu, Phần Lan, url: http://cc.oulu.fi/~levanut/

http://vietsciexdir.net/ovsed-blog/blog/2011/09/21/gi%E1%BA%A3i-thich-c%E1%BB%A7a-ts-le-van-ut-v%E1%BB%81-b%E1%BA%B1ng-licentiate/

9 Comments »

  1. […] Giải thích của TS Lê Văn Út về bằng “Licentiate” + Một sự thật khác v… (utvle.wordpress.com) […]

  2. […] Giải thích của TS Lê Văn Út về bằng “Licentiate” + Một sự thật khác v… (utvle.wordpress.com) […]

  3. […] Giải thích của TS Lê Văn Út về bằng “Licentiate” + Một sự thật khác v… (utvle.wordpress.com) […]

  4. […] Giải thích của TS Lê Văn Út về bằng “Licentiate” + Một sự thật khác v… (utvle.wordpress.com) […]

  5. […] Giải thích của TS Lê Văn Út về bằng “Licentiate” + Một sự thật khác v… (utvle.wordpress.com) […]

  6. […] Giải thích của TS Lê Văn Út về bằng “Licentiate” + Một sự thật khác v… (utvle.wordpress.com) […]

  7. […] Giải thích của TS Lê Văn Út về bằng “Licentiate” + Một sự thật khác v… (utvle.wordpress.com) […]

  8. […] Giải thích của TS Lê Văn Út về bằng “Licentiate” + Một sự thật khác v… (utvle.wordpress.com) […]

  9. […] Giải thích của TS Lê Văn Út về bằng “Licentiate” + Một sự thật khác v… (utvle.wordpress.com) […]


RSS Feed for this entry

Leave a comment